Bài số 2: Mô hình nào cho việc phát triển du lich ở Lý Sơn

0
1098
Trong những năm qua, Việt Nam chúng ta đã có chủ trương về phát triển du lịch, nhiều dự án đầu tư quy mô lớn đã được thực hiện, vị thế du lịch quốc gia đã được khẳng định. Doanh thu từ du lịch ở một số địa phương tăng lên và đóng góp lớn cho sự phát triển cũng như diện mạo địa phương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, du lịch của nước ta hiện nay vẫn đi theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và làm theo cùng một kiểu. Đó là một sai lầm và có nhiều dấu hiệu tương tự như đầu tư nhà máy đường, nhà máy xi măng, sân bay, bến cảng,…đã từng diễn ra. Chính vì vậy, ở tầm Trung ương lẫn địa phương cần tỉnh táo, sáng suốt định hình lại để phát triển du lịch một cách bền vững.
 
Đối với đảo Lý Sơn – một khu vực độc lập với đất liền và có một vị trí, một không gian đặc biệt nên cũng rất cần 1 cách tiếp cận du lịch đặc thù.
 
1. Lý Sơn nên chọn khách nào để tiếp?
 
Trước hết, phải xác định đối tượng khách du lịch đến với Lý Sơn không nên và không phải là đối tượng đi du ngoạn hưởng thụ, mà phải là những “du khách văn minh”. Đến với Lý Sơn là để khám phá vẻ đẹp tự nhiên của biển, của đảo; khám phá kho tàng tri thức dân gian, văn hoá truyền thống của người dân bản địa; tìm hiểu về lịch sử đấu tranh, gìn giữ Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam,… Và xa hơn là để nghiên cứu về tự nhiên, về mối quan hệ Thiên – Địa – Nhân, về vai trò của biển, tìm hiểu về “những rừng nhiệt đới tự nhiên trong lòng biển”; tìm hiểu về nền nông nghiệp hữu cơ trên đảo núi lửa,…
 
Những trải nghiệm của những “du khách văn minh” bao giờ cũng để lại cho người dân Lý Sơn những bài học và họ học từ người dân Lý Sơn những bài học. Từ đó hình ảnh Lý Sơn sẽ đẹp hơn và đảo Lý Sơn sẽ bền vững hơn. Những du khách ấy sẽ ‘chấp nhận trả phí” để bảo tồn thiên nhiên và văn hoá, đồng thời họ cũng “sẵn sàng trả lệ phí” để trải nghiệm cuộc sống biển đảo. Ngược lại, người làm du lịch cũng mạnh dạn áp dụng các chế tài đối với “du khách thiếu văn minh”. Cách làm này nếu khai thác tốt bởi những người làm du lịch thông minh sẽ làm sang trọng hơn cho 1 thị trường du lịch đẳng cấp của Việt Nam.
 
Với sự lựa chọn phục vụ khách một cách thông minh thì không cần thiết phải tăng về quy mô lượng khách đến, mà chỉ duy trì ở một ngưỡng nhất định, nhưng chất lượng dịch vụ tăng theo lộ trình đầu tư, đồng thời phí, lệ phí cũng có lộ trình gia tăng tương ứng. Từ đó, doanh thu vẫn tăng mà không bị áp lực môi trường và suy thoái tài nguyên.
 
2. Tài nguyên du lịch sẵn có, hạn chế đầu tư khách sạn, nhà hàng…
 
Tài nguyên du lịch cả tự nhiên và nhân văn đã có sẵn, chỉ cần nghiên cứu cách khai thác hiệu quả, bền vững mà thôi.
 
Về hạ tầng du lịch thì cần quan tâm nhiều hơn đến giao thông và hệ thống thông tin liên lạc, để đảm bảo hệ số an toàn cao nhất đối với du khách và cả những kịch bản ứng phó rủi ro.
 
Đối với cơ sở vật chất kỹ thuật, thì không cần thiết phải đầu tư thêm hệ thống nhà hàng, khách sạn, mà nhà dân chính là các cơ sở lưu trú và ăn uống; hướng dẫn viên cộng đồng cũng là hướng cần phát huy, tất nhiên phải có sự đầu tư đào tạo, bồi dưỡng bài bản…
 
Hành, tỏi, hải sản, bánh ít… và những tấm ảnh check in là những sản phẩm du lịch tiêu biểu.
 
Các sự kiện du lịch thì không thiếu, chỉ cần hệ thống lại để giới thiệu và phân luồng du khách… từ đó chọn đúng đối tượng cho từng sự kiện…
 
3. Nên huy động nguồn lực và đầu tư chiều sâu
 
Quỹ bảo tồn đảo cũng cần nghiên cứu xây dựng để huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các du khách và các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế,… Quan trọng là thể hiện được ý nghĩa của quỹ và tính minh bạch trong khai thác, sử dụng hiệu quả.
 
Ngoài ra, Lý Sơn cũng cần có trung tâm (hoặc phân hiệu của các Viện) nghiên cứu chuyên sâu về biển, về địa chất;.. nghiên cứu và giáo dục thiên nhiên, giáo dục văn hoá về Hoàng Sa, Trường Sa,… các địa điểm này cũng chính là các cơ sở thăm quan học tập… Đến lúc học sinh, sinh viên của Việt Nam cần phải đến những nơi này để trải nghiệm học tập, nghiên cứu…
 
Để thực hiện đúng mô hình trên thì nguồn lực con người là rất quan trọng, cần thu hút nguồn lực tốt cho BQL CV ĐCTC & KBTB, có chính sách đào tạo & bồi dưỡng người địa phương; có kế hoạch truyền thông & kiên trì truyền thông cộng đồng trong 1 thời gian dài… Nói chung, muốn làm được tất cả các điều trên phải bắt đầu từ cái tâm & tư duy phát triển của lãnh đạo. Nhìn Lý Sơn từ trên cao ngay thời điểm bây giờ, mọi thứ đã bị nham nhở & tiềm ẩn nhiều rủi ro lắm rồi!
 
 
Tóm lại, với Lý Sơn nếu xác định mô hình du lịch cộng đồng gắn với tài nguyên du lịch thiên nhiên biển đảo và văn hoá bản địa đặc sắc thì tất cả sẽ là duy nhất, không có nơi nào cạnh tranh được.
 
Phát triển du lịch bền vững ở Lý Sơn thì cộng đồng địa phương chính là đối tượng hưởng lợi đầu tiên và có trách nhiệm chính trong việc bảo tồn, bảo vệ chủ quyền tổ quốc.
 
Sau khi được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu, thì Lý Sơn sẽ định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới từ đó người bạn của Lý Sơn, của Quảng Ngãi, của Việt Nam sẽ nhiều hơn và địa danh Lý Sơn sẽ gắn với Biển Đồng sẽ trường tồn.
 
Cần nhìn xa hơn trên bản đô du lịch Việt Nam & nên xem Lý Sơn cũng chỉ là 1 “mắc xích” trong “hệ sinh thái du lịch” quốc gia. Nhà đầu tư có thể đầu tư những resort, khách sạn nhiều sao,… ở những nơi khác để thu hút đối tượng du khách thích hưởng thụ, nhưng nên tránh Lý Sơn ra.
 
Điều cần phải hết sức lưu ý là không nên xem Lý Sơn là một đô thị và đầu tư du lịch ở Lý Sơn cũng giống như đầu tư ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn,…
 
—-
P/s cái món ni, TS. Chu Manh Trinh tư vấn là Ok!
Theo Hương Sáng (Fb)

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây