Trước ngày hội Khao lề thế lính Hoàng Sa, chúng tôi lên đồi Thới Lới ngắm chiều tà. Ngang qua ngôi chùa có tên Âm Linh Tự, thấy các bô lão đã xôn xao chuẩn bị tế lễ, cáo tiền nhân. Tiếng ốc u được ai đó thổi lên, trầm buồn, vang vọng trong trời chiều như tiếng oan hồn khiến ai nấy đều sởn da gà.
Giữa hòn đảo bốn bề sóng nước, mặt trời lặn như chui tụt xuống biển. Đêm sụp xuống đen ngòm, gió ràn rạt tràn qua mấy nương đậu bắp, nghe như có tiếng chân người đang lướt ngang. Dưới ánh sao mờ, những ngôi mộ gió, những hình nộm canh rẫy bắp cứ thoắt ẩn, thoắt hiện… Dẫu biết dưới những gò cát nhỏ kia chỉ là các hình nhân đất nặn, tôi vẫn cứ lạnh dọc cột sống, sợ mơ hồ…
Một “thổ địa” giải thích rằng, mộ gió trên đảo Lý Sơn không đơn thuần là những đụn cát ven biển, được gió vun thành nấm, hoặc thiên di, hoặc mới đắp gọn ghẽ hệt những sinh phần.
Nơi an nghỉ của những linh hồn ở miệt biển này dù không có hình hài, xương thịt, không thể chạm tới, nhưng lại có thể chuyện trò, có thể nghe rõ tiếng chân đi lào xào trên cát, và mọi cảm nhận đều thật một cách lạ lùng như làn da quệt vào gió mặn. Mộ như có, như không. “Gió” trong cụm từ “mộ gió” ở đây cũng có nghĩa là như thế. Người Lý Sơn từ xa xưa đã rành rẽ các nghi thức tâm linh dành riêng cho những linh hồn lưu lạc.
Từ hơn 200 năm trước, khi cai đội Phạm Quang Ảnh cùng 70 nghĩa binh đi trấn ải Hoàng Sa rồi bỏ mình lại biển, Vua Gia Long đích thân ra tận Lý Sơn làm lễ chiêu hồn cho họ. Pháp sư của triều đình đã lên núi Giếng Tiền lấy đất sét, tạo thành hình nhân, lập đàn cúng tế, hô thần nhập tượng cho từng người trước khi an táng.
Những tượng trong mộ gió, da thịt là sét mịn trộn với bông của quả cây gòn, nội tạng từ tro than của cây sầu đông, xương cốt bằng thân cây dâu tằm, loài cây được xem là hiện thân của năng lực phi phàm thiên biến vạn hóa, bất chấp sự xoay vần của thời gian và tạo vật… Sau mai táng, những ngôi mộ gió trở thành cốt nhục của những người đã khuất. Ngày làm lễ chiêu hồn được lấy làm ngày giỗ… Phong tục đó đã tồn tại nhiều đời và vẫn được giữ gìn đến hôm nay.
Bí thư huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy nổi da gà khi nghe tôi nhắc chuyện cứ mỗi mùa dông bão hoặc giặc dã ngoài khơi thì liền sau đó là tin xấu ập về với dân Lý Sơn, Bình Châu: Nhiều phụ nữ thành góa phụ, con trẻ mồ côi cha vì những người đàn ông đã bỏ mạng ngoài biển cả. Những tình cảnh xót xa kia cứ lặp lại, đời nối đời. Vy nói rất thật: “Gần hai năm ra làm bí thư huyện đảo, chừ em mới nghe tỉ mỉ về mộ gió theo cách kể của anh. Mình nên làm gì để câu chuyện văn hóa này bước ra khỏi sách vở?”.
Tôi liên tưởng đến bức ảnh ngô ngố khi một mình đứng dưới hàng cây ngân hạnh trên đảo Nami trong lần đến Hàn Quốc. Chợt nhận ra bối cảnh lãng mạn trong bộ phim nổi tiếng “Bản tình ca mùa đông” không mấy cảm xúc, chẳng ấn tượng gì nếu so với Lý Sơn. Dẫu sau khi công chiếu, “Bản tình ca mùa đông” đã giúp nâng lượng khách du lịch đến đảo Nami từ 270.000 lượt năm 2001 lên đến 3 triệu lượt khách vào năm 2014…
Trộm nghĩ: Là Vy, tôi sẽ vận động bà con trồng ngay những vạt dâu tằm, những hàng sầu đông ven bờ đồng tỏi trên đảo Lý Sơn, trên các nẻo đường dẫn lên núi Giếng Tiền. Du khách tới đây, tha hồ chụp ảnh check in Lý Sơn như từng khoe nụ cười bên những hàng phong lá đỏ xứ Kim Chi.
Vâng, hòn đảo cát vàng nắng cháy của tôi, dâu sẽ lên xanh, hoa sầu đông sẽ rắc tím các gò mộ gió, nơi cư trú của những linh hồn quả cảm sẽ lãng mạn hơn bất cứ nơi nào, tại sao không, anh Vy nhỉ?
Theo Thanh Hải/Báo Lao Động