Nghi thức chạp mả & mả lớn nhất Lý Sơn của dòng tộc họ đặng Lý Sơn
Hằng năm, Cứ tháng 12 âm lịch về. Dịp giáp Tết, nhiều gia đình, họ tộc ở Lý Sơn tất bật tiến hành chạp mả. Đây là dịp con cháu làm ăn ở xa tìm về nguồn cội, thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên dòng họ của mình.
Chẳng ai rõ nghi thức Chạp mả hay tảo mộ cuối năm ở Lý Sơn hình thành từ lúc nào trong lịch sử truyền thống của người Việt. Nhưng các dòng tộc ở trên Đảo đều quy định rất cụ thể về ngày “Chạp” cố định vào tháng 12 âm lịch. Nghi thức chạp mả diễn ra ở không gian khu mồ mả và nhà thờ tộc. Đây là nét văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc, vốn thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Mả đắp bằng đất to nhất tại Đảo Lý Sơn (Ông Bà Họ Đặng), kích thước cạnh đáy vuông: 5m5, chiều cao đỉnh: 2m5. Khoảng 40 m3 đất. Mả này có thể đạt kỷ lục Thế giới không nhỉ?
Các anh em trong dòng họ đã dẫy mả xong, Chắc mồ mã này đạt kỷ lực thế giới về mã bằng đất to nhất. Ảnh. Hưng Đặng
Năm nay, Đặng Quốc Hưng ngụ ở phương xa nhưng tình hình dịch kéo dào nên anh về quê sớm để dự Chạp mả cuối năm ở Xóm họ Đặng, thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn quê dự chạp ngày mùng 2 tháng 12 AL. Cuộc sống dịch bệnh khó khăn với bao bộn bề, anh Hưng vẫn muốn bản thân làm tròn nghĩa vụ của bậc làm con cháu trong dòng tộc họ Đăng Lý Sơn.
Bên canh đó, dòng tộc Họ Đặng Lý Sơn còn có chương trình tổng kết, phát thưởng và trao học bổng cho các con em trong dòng họ Đặng đã nỗ lực học tập và phấn đấu trong năm 2021.
Trao quà, phần thưởng cuối năm của dòng họ.
Trao quà, phần thưởng cuối năm của dòng họ.
“ Năm mới, xuân Nhâm Dần sắp đến. Tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị tươm tất, phải chăm sóc sửa sang các phần mộ người thân, để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống. Nhiều năm lỡ hẹn ngày chạp mả, tôi thấy mình thật có lỗi với tổ tiên. Nên năm nay cố gắng thu xếp thời gian để về sớm với dòng họ”.
Đối với nhiều gia đình ở Lý Sơn, chạp mả là ngày vô cùng quan trọng. Một năm chỉ có một lần, nên ai cũng tranh thủ về để có mặt đông đủ. Công việc chạp mả được cháu con thực hiện nghiêm túc, thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên.
Vào ngày chạp mả hoặc trước ngày chạp vài ngày, ông bà, cha mẹ thường dẫn con cháu đi dẫy mả, quét dọn sửa sang lại cho khang trang. Với những phần mộ bị cỏ vây quanh hay lở đất, dịp này sẽ được con cháu thu dọn, làm cho khu mả gọn gàng, tươm tất hơn. Qua đây, thế hệ con cháu cũng được người lớn kể về vai vế, công trạng, đức tính… từng người nằm dưới mồ.
Cặp trống chiêng của nhà thờ dòng họ Đặng Lý Sơn
Anh Hưng chia sẻ: “Nếu không có dịp chạp mả, có lẽ nhiều thế hệ con cháu sau này chẳng thể nào biết hết được vị trí mồ mả của ông bà, tổ tiên trong dòng họ để mà tìm về thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ.”
Thông thường, công việc dẫy mả được giao cho cánh đàn ông, thanh niên. Còn các chị, các mẹ ở nhà sẽ phân công nhau phụ trách khâu bếp núc. Người đi chợ, kẻ lo thu vén nhà cửa gọn gàng. Để đến trưa của ngày chạp mả, mâm cúng với đầy đủ các món ăn truyền thống cùng với nhang đèn, hoa quả được sẵn sàng.
Chị em đang bếp núc cho ngày chạp mả.
Trong không khí thiêng liêng, ấm áp với hương trầm nghi ngút, nghi thức cúng Chạp mả được tiến hành với sự sum họp của cháu con trước bàn thờ tổ tiên. Khi hương tàn, mâm cỗ được dọn để nhiều người thuộc dòng họ và khách mời cùng thưởng thức. Do vậy, ngày chạp mả cũng được xem là ngày lễ hội của cả họ tộc trước thềm năm mới.
Anh em đang làm đồ lên mâm bát cho ngày chạp mả.
Đây là một trong những dịp lễ cúng quan trọng nhất của các dòng họ và được lưu giữ mãi đến ngày nay. Do vậy, vào thời điểm tháng 12 âm lịch, có dịp về thăm “hòn Đảo tiền tiêu”, chúng ta sẽ được sống trong cảnh nhộn nhịp của ngày chạp mả.
Tục lệ chạp mả được duy trì từ đời này sang đời khác, trở thành một nét đẹp trong những tục lệ ăn Tết Nguyên đán của người Lý Sơn. Hằng năm, mỗi khi đi xa về quê ăn Tết, những người trẻ xa quê lại có thêm một dịp để gần gũi, nhìn nhận bà con bên nội bên ngoại, thấy Tết càng thêm nhiều ý nghĩa.
Theo CTD