Từ thanh niên làng chài Lý Sơn đến ông chủ ở Solomon

0
828

Phải rất kiên trì và dày công thiết lập các mối quan hệ, thuyết phục xin các trưởng làng họ mới đồng ý cho mình khai thác nguồn lợi thủy sản cùng họ.

Cận Tết vừa rồi, chúng tôi có dịp gặp gỡ một doanh nhân người Việt đang khai thác và kinh doanh thủy sản tại quốc đảo Solomon. Với chất giọng đặc Quảng, anh niềm nở giới thiệu mình tên Võ Minh Hùng, xuất thân từ làng chài ngoài huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Anh đã bôn ba nhiều nơi, cuối cùng cơ duyên đưa đẩy anh vượt nửa vòng Trái đất để tìm được cơ hội kinh doanh tại quốc đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương xa xôi. Vượt nửa vòng Trái đất lập nghiệp
. Phóng viên: Anh có thể kể lại cơ duyên nào khiến anh thực hiện hành trình vượt nửa vòng Trái đất để đặt chân đến quốc đảo Solomon?
 
+ Doanh nhân Võ Minh Hùng: Solomon Island đúng là quá xa xôi, không phải người Việt Nam nào cũng biết tới. Để trò chuyện với anh, tôi vừa phải trải qua ba chặng bay, bay nửa vòng Trái đất mới về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Còn chiều ngược lại, đi bằng đường biển từ Việt Nam thì phải mất 35 ngày lênh đênh mới có thể đặt chân tới quốc đảo này.
 
Còn cơ duyên ư? Khoảng cuối năm 2016, tôi nghe thông tin có một số ngư dân ở Lý Sơn gặp rắc rối pháp lý khi khai thác hải sâm (có giá khoảng 1,6 tỉ đồng/tấn) tại vùng biển do các nước ở Nam Thái Bình Dương quản lý. Đầu năm 2017, tôi quyết định nhờ một người quen làm visa để sang Úc, rồi từ đây tìm cơ hội sang Solomon tiếp cận với những ngư dân đồng hương để vừa tìm cách trợ giúp họ, vừa tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để có thể khai thác hải sâm một cách đàng hoàng, hợp lệ nhất?
 
Hành trình từ Úc để vào Solomon không dễ, trước giờ rất ít người Việt đặt chân đến đó. May thay tôi được một người Việt tại Úc kinh doanh nghề gỗ tại Solomon hỗ trợ thủ tục và chấp thuận cho đi theo. Tới nơi, điều đầu tiên tôi làm là tới thăm hỏi các ngư dân, đồng thời bắt đầu tìm cơ hội kinh doanh cho mình.
 
. Anh cảm nhận cuộc sống người dân trên quốc đảo này như thế nào?
 
+ Những bộ lạc ở Solomon sống rải rác tại các hòn đảo cách đảo chính hai ngày đi tàu. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, đúng nghĩa ba không: không điện, không nước sạch, không điện thoại, trong khi phía dưới họ là nguồn hải sâm dồi dào vào bậc nhất vùng biển Nam Thái Bình Dương, chỉ sau Papua New Guinea.
Từ đây tôi bắt đầu lập mối quan hệ, tính đường khởi nghiệp lâu dài bằng cách xin phép họ được cùng khai thác hải sâm trong vùng biển do các tỉnh quản lý. Đồng thời, tôi tặng gạo cho người dân ở các đảo, hỗ trợ tiền xây bệnh viện, trang bị máy phát điện cho người dân giải trí. Công ty Hoàng Kim Việt Pacific Group Ltd ra đời từ đây. Phải rất kiên trì và dày công thiết lập các mối quan hệ, thuyết phục xin các trưởng làng họ mới đồng ý cho mình khai thác nguồn lợi thủy sản cùng họ.
 
. Các bộ lạc đã phản hồi anh như thế nào?
 
+ Tới giờ tôi đã có đủ chữ ký của tộc trưởng các bộ lạc chấp thuận cho khai thác cùng họ. Đồng thời, Bộ Thủy sản sở tại cho phép xuất hàng, Chính phủ Solomon đồng ý cấp visa tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Từ đây tôi tiếp tục mở công ty tại quốc đảo Vanuatu (Tây Nam Thái Bình Dương), nơi có trữ lượng hải sản chẳng thua kém vùng biển Solomon. Tôi cũng thuê hẳn một luật sư bản địa để cùng đồng hành với mình trong công việc.
 
Ngư dân có thu nhập “khủng”
 
. Tín hiệu vui như vậy nhưng hiệu quả mang lại có tương xứng?
 
+ Khi khai thác được những mẻ hải sâm đầu tiên từ lòng biển, trong đó có những con hải sâm nặng 3 ký trị giá vài trăm USD, tôi vui rớt nước mắt. Để bắt được loại hải sâm loại “khủng” này phải đầu tư thiết bị lặn hiện đại, chi phí cao. Để được lặn tới độ sâu 30 m phải đăng ký rất nhiều thủ tục, đồng thời phải chịu mức thuế khá cao. Chính quyền sở tại đánh thuế từng độ sâu khác nhau, chứ không như xứ mình lặn sâu bao nhiêu để khai thác cũng được. Họ rạch ròi như vậy nhằm để nguồn lợi đáy biển không bị tận diệt.
 
. Công việc hanh thông vậy, chắc các ngư dân làm cùng anh có thu nhập cao lắm?
 
+ Xin nói thêm một chút, nghề biển không tính lương tháng mà tính tỉ lệ phân chia sản lượng khai thác được. Bởi vậy thu nhập mỗi người sẽ khác nhau, dù không nói ra con số cụ thể nhưng tôi dám chắc các ngư dân Việt Nam đang hợp tác cùng tôi có thu nhập “khủng” hơn những gì họ kiếm được từ nghề biển.
 
. Anh đi biền biệt như vậy, người thân anh có chia sẻ hay trách móc gì không?
 
+ Cuộc đời mình đã quyết định và làm nhiều việc táo bạo rồi nên việc bỏ công ba năm ròng để khởi nghiệp tại Solomon với tôi cũng bình thường. Điều tôi vui nhất là giúp được ngư dân của quê mình thoát khỏi cảnh bán mạng, nhiều rủi ro khi vượt vạn dặm để vào vùng biển do nước khác quản lý khai thác. Nhiều bạn bè hoài nghi chắc tôi có bồ bịch nên mới đi nhiều như thế (cười). Riêng vợ tôi hiểu tính tôi đã quyết cái gì thì làm bằng được nên luôn chia sẻ, động viên để có được ngày hôm nay.
 
. Khởi nghiệp tương đối thành công, vậy còn điều gì khiến anh trăn trở không?
 
+ Sau khi hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý liên quan, tôi hăm hở quay về làng biển quê hương để kết nối, đưa ngư dân sang Solomon khai thác hợp pháp. Thế nhưng niềm vui của tôi bị chựng lại khi một số ít người trong chính quyền địa phương gây khó dễ, cho rằng tôi làm cò lao động không hợp pháp. Đến khi xem kỹ hồ sơ của tôi, thấy có đầy đủ giấy tờ do chính phủ sở tại cấp phép, visa tiếp nhận lao động, giấy phép kinh doanh,… thì cơ quan quản lý lao động địa phương mới ớ ra.
 
Tôi có chút buồn khi mình đã dày công để giúp ngư dân sang khai thác đàng hoàng lại bị hiểu lầm. Nhưng điều đáng mừng là hiện đã có nhiều ngư dân sang Solomon làm việc hợp pháp, có thu nhập cao giúp gia đình. Như vậy tôi cũng cảm thấy ấm lòng rồi.
. Xin cám ơn anh.
Tôi thông tin thêm, vừa rồi ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Úc, đã có công điện gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi minh định lại việc kết nối, đầu tư của tôi tại Solomon là hoàn toàn hợp pháp, đúng quy định sở tại.
 
Công điện này còn nêu rõ Cao ủy Solomon tại Úc đã cám ơn sự nỗ lực từ Việt Nam và từ đầu năm 2018 đến nay không ghi nhận trường hợp ngư dân nào đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển Solomon. Đồng thời chính phủ Solomon khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đến đầu tư và hợp tác khai thác thủy hải sản tại vùng biển Solomon.
Doanh nhân VÕ MINH HÙNG, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Việt
Pacific Group Ltd
Theo Phong Điền/PLO.vn

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây