Kỳ 1: Quyến rũ giữa muôn trùng sóng vỗ

0
1400
Toàn cảnh đảo Lý Sơn.

(ĐLS)Vài năm trở lại đây, khách du lịch truyền tai nhau một điểm đến lý tưởng – đảo ngọc Lý Sơn, một hòn đảo tuyệt đẹp giữa biển khơi xanh thẳm. Mặc dù cách đất liền tới 15 hải lý nhưng Lý Sơn đã và đang trở thành một khu du lịch hấp dẫn với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo với những người dân chài chất phác bên những cánh đồng tỏi nức danh.

“Lửa” giữa lòng biển xanh

Đảo Lý Sơn, hay còn gọi là Cù Lao Ré, vì ở đây có nhiều cây ré, một loài thực vật mọc hoang. Lâu nay, người dân miền Trung thường ví Lý Sơn như đảo ngọc chốn biển khơi. Những món quà ưu ái từ thiên nhiên đã khiến chuyến đi đến Lý Sơn không đơn thuần chỉ là sự trải nghiệm, mà còn là con đường để đến với một thế giới bình dị và thuần khiết, một trải nghiệm thú vị khác xa với sự phồn hoa náo nhiệt chốn thị thành.

Theo lời người dân địa phương, biển Lý Sơn xanh ngát như vậy là do từ xa xưa, nơi đây có 5 ngọn núi lửa, trong đó có đỉnh Thới Lới, là ngọi núi cao nhất trong 5 ngọn núi lửa trên đảo Lý Sơn. Nhờ có sự phun trào và tắt đi của chúng mà đảo Lý Sơn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nếu đứng trên đỉnh núi Thới Lới, phóng tầm mắt ra xa, chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ dấu tích ngọn núi lửa hùng vĩ từ ngàn năm trước.

Những chứng nhân lịch sử ấy như đang giang tay ôm lấy biển xanh để tạo nên bức tranh phong cảnh vừa lãng mạn vừa hoành tráng. Cũng tại đây, ngay bên dưới chân núi Thới Lới là Hang Câu, hang được sóng và gió biển bào mòn, khoét sâu vào lòng núi và hình thành cách nay hàng nghìn năm. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ, hút hồn du khách thập phương.

Đến với Lý Sơn, du khách thập phương cũng không thể bỏ qua vòm cổng Tò Vò bằng đá cao khoảng 2,5 m có hình thù kỳ lạ và là điểm chụp ảnh luôn được du khách yêu thích. Theo lời người dân nơi đây thì cổng Tò Vò hình thành từ nham thạch núi lửa phun trào và hoàn toàn không có sự tác động của bàn tay con người. Những ngọn núi lửa này tuy đã ngủ yên hàng triệu năm qua nhưng đến bây giờ, dư âm của nó cho người Lý Sơn một thứ đất đỏ đặc biệt để trồng nên thứ gia vị lừng danh, “tỏi Lý Sơn”.

Theo lời người dân nơi đây cho biết, nếu chỉ trồng trên đất núi lửa đơn sơ này thì tỏi ở đây chưa thể có hương vị riêng như vậy được. Vì thế, người trồng tỏi đã kỳ công mang từ biển về những bao cát được tạo ra từ lớp vỏ hàu, vỏ ốc, vỏ sò đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm để trải lên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Cát ấy khi rải xuống sẽ giúp cây tỏi tươi tốt và tạo cho củ tỏi một hương vị đặc trưng, không gây sốc cũng không để lại mùi hôi như tỏi thường.

Vùng đất của những con người can trường

Không chỉ có vị trí quân sự quan trọng, Lý Sơn còn là điểm đến thiêng liêng trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Quanh đảo Lý Sơn ngày nay còn hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa sống động về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, nhờ sở hữu những khung cảnh thiên nhiên hoang sơ giữa bao la đất trời, nơi đây còn được mệnh danh như “ốc đảo thần tiên giấu mình”, “thiên đường bỏ ngỏ”, “Maldives của Việt Nam”.

Đối với ngư dân Lý Sơn, chuyện vượt trùng khơi hay lặn vào lòng biển sâu, cũng chỉ là câu chuyện thường ngày của người nông dân. Ra Lý Sơn mới thấy được hết tinh thần thép và lòng can trường quả cảm của những người con xứ đảo, họ nhẫn nại bám trụ từ biển gần cho đến biển xa, thả lưới giăng câu khắp đêm ngày mưu sinh và cũng là để giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương.

Theo lời người dân nơi đây thì chỉ riêng việc đánh bắt cá ở Lý Sơn cũng đã chia ra rất nhiều nghề, nhưng đặc trưng nhất phải nói là nghề lặn. Theo lời các cụ cao niên ở đây thì dân Lý Sơn khi xưa mang lưới lặn xuống biển đánh cá quanh các rạn san hô sâu vài chục mét là chuyện “kiếm ăn hàng ngày”. Tuy nhiên để có thể sống bằng nghề lặn, ngư dân phải được tập từ nhỏ, từ cách lựa chọn vùng biển đến cách ngậm giữ khí trong người như thế nào.

Một trong những bài học cơ bản của người thợ lặn đó là phải biết cách “nằm nghỉ dưới đáy biển vài phút” với cái tên rất trừu tượng là “tiếp địa” nhằm giúp điều hòa lại khí tức trong người. Sau cú “tiếp địa” ấy, người thợ lặn như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục chuyến hành trình của mình, thậm chí có lúc sau động tác “tiếp địa” nhiều người còn cảm giác mình như sống được dưới nước vậy. Ngày nay, những thợ lặn Lý Sơn đều đã có hỗ trợ bơm khí từ tàu, họ có thể lặn và làm việc nhiều giờ, thế nhưng cái cách “tiếp địa” từ cha ông truyền lại ai ai cũng phải biết.

Với người ngư dân Lý Sơn, thuyền “mê nan” chính là tài sản quý nhất trong nhà, một trong những hiện vật còn lại ngày nay chúng ta thấy chính là con thuyền trong bảo tàng về những người lính Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa được chuyển đến từ Lý Sơn. Thuyền mê nan được đan từ cật tre già, có thể dài đến 10 mét, khảm bằng nhựa chai. Đồng hành với con thuyền này là những chiếc thúng, cũng đan bằng cật tre, khảm bằng nhựa chai, gọi tên luôn là thuyền thúng chai. Tre được lựa chọn để đóng thuyền phải vừa mềm, dẻo nhưng cũng rất cứng, đặc biệt là cật, phải cứng hơn bất kỳ loại gỗ nào.

Khi thuyền va phải đá ngầm, thuyền chỉ bị bật lại hay chuồi qua chứ rất khó bị vỡ. Con thuyền, chiếc thúng ấy, đặc biệt phù hợp với các vùng biển đảo san hô, đặc trưng của Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó cũng lý giải tại sao ông cha ta lại sử dụng con thuyền này để tuần, giữ Hoàng Sa và Trường Sa, dù đến thời nhà Nguyễn chúng ta đã đóng được những chiến hạm lớn hơn. Trên thực tế, con thuyền mê nan vẫn đồng hành với ngư dân Lý Sơn đến những năm 1950 rồi mới thay dần bằng thuyền gỗ.

Qua hàng nghìn năm kiến tạo và hàng trăm năm xây dựng, con người và thiên nhiên đã tạc ra giữa biển, đảo quê hương một hòn vùng đất vừa linh thiêng lại vô cùng quý giá. Làm thế nào để gìn giữ trọn vẹn và phát huy hết khối di sản lớn đó luôn là câu hỏi mà những ai yêu mến Lý Sơn cũng như các nhà khoa học, nhà quản lý luôn đau đáu trong lòng. Ngày nay, mặc dù Lý Sơn có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch biển, đảo, tuy nhiên vẫn còn đó bất cập và hạn chế. Tin rằng, nếu được khai thác đúng hướng, khắc phục những nhược điểm hiện tại, Lý Sơn sẽ là một viên ngọc quý không chỉ của Quảng Ngãi nói riêng mà còn của cả Việt Nam nói chung.

Theo Anh Tuấn/Báo Lao động Thủ đô 

Kỳ 2: Quê hương hải đội Hoàng Sa

Kỳ 2: Quê hương hải đội Hoàng Sa, Trường Sa

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây