Cánh đồng tỏi đang mùa thu hoạch ở Lý Sơn. Ảnh: Toilyson.com.vn
Tôi nhớ hoài lời của Dung, bằng cái giọng đặc sệt miền biển mà tôi nghe chữ được chữ mất, đại ý là: “Năm nay không có một hột mưa, nên không trồng được gì cả anh à, tỏi cũng mất mùa, thất trắng…”. Tỏi thì thơm nồng, mà mồ hôi của người trồng thì mặn đắng quá phải không…
Tôi đến thăm đảo tỏi Lý Sơn vào tháng tư giáp hạ. Trốn khỏi Sài Gòn hầm hập đổ lửa, tôi thèm đi để tìm chút gió mát miền biển mặn, xa xôi.



Tôi sắp xếp lịch làm việc và dành hẳn năm ngày trong tuần để tránh cảnh đông đúc, ngột ngạt và chen lấn vào những ngày lễ hay cuối tuần. Và thật đúng đắn, vài nơi đi qua, chỉ có mỗi chúng tôi. Thật thoải mái làm sao. Lý Sơn bây giờ cũng đã sạch hơn nhiều so với lúc báo chí đưa tin, đường sá cũng thoáng hơn, và không còn gồ ghề, như bạn tôi kể trước.

Cánh đồng hành tỏi ở Lý Sơn
Suốt hành trình của mình, ghi đậm dấu ấn trong tôi là hình ảnh những cánh đồng tỏi xanh xanh, bờ vách đá hang Câu cong cong, các đình làng hoài cổ và Đảo Bé yên bình, xa xôi, thưa vắng.
Từ điểm cao nhất của đảo, phóng mắt về phía xa xa là những ruộng cát trắng, trồng hành, trồng tỏi, trồng đậu phộng, dưa hấu, bắp non… Màu cát trắng, màu ruộng đồng xanh non bên màu biển ngọc ngà biêng biếc, đẹp như màu trời, thu hết vào mắt người giữa một chiều lộng gió tháng tư…


Hang câu Lý Sơn

Hang đá trước Chùa Hang Lý Sơn
Nếu hang Câu với kiến tạo địa chất triệu năm có một, là điểm tuyệt vời để kẻ lạc bước nấp mình, trải một tấm bạc nhỏ dưới màu chiều, nghe sóng biển ầm rát bãi bờ và thưởng thức chút đồ ăn nhẹ cùng bạn bè, hay cho kẻ lãng tử nghịch tay nhặt nhạnh những hòn sỏi muôn hình, ném lại biển già để thấy lòng mình lần nữa được trẻ con…
…. thì cung đường dọc biển lại là nơi cho tôi những gợi suy hoài cổ về lịch sử của hòn đảo này khi đến viếng thăm những ngôi đình làng nhuộm ám màu thời gian. Cũ có, mới có, nhưng mái đình nào cũng đáng để ghé lại, chiêm nghiệm về những huyền sử trăm năm, để nghe người gác đình già ngồi dưới gốc cây phong ba kể chuyện cá Ông phò hộ người xứ này mỗi khi giương thuyền dong biển xa khơi.

Ngọn hải đăng tại Hòn Mù Cu Lý Sơn
Nơi tôi ghé thăm có hai đảo Lớn và đảo Bé, nhưng để kể về những khó khăn của đời sống người miền đảo vắng, chắc phải kể về đời người nơi cù lao Bờ Bãi (đảo bé) xa xôi. Dung, người con gái nhỏ nhắn trong đất liền theo chồng về xã đảo này đã ba năm, trong bữa cơm tối ấm tình, em kể chuyện đời thật thân thương. Cả đảo có một trăm hai mươi sáu hộ, tổng dân chưa quá năm trăm người. Đảo nhỏ không có nguồn nước ngọt tự nhiên. Mỗi ngày, một nhà được sáu xô nước, từ chương trình lọc nước biển mặn. Không đủ, phải mua thêm từ đảo lớn với giá gần… năm trăm ngàn một khối. Mùa biển động, còn không thể mang nước sang đây. Điện mặt trời từ trong trạm áp ngay trên đảo chỉ đủ mạnh ban ngày, ban đêm có khi chập chờn yếu ớt.

Các tàu thuyến đánh cá của các ngư dân Lý Sơn

Ngư dân thao lưới chuẩn đi đánh lưới bằng thuyền thúng.
Tôi nhớ hoài lời em, bằng cái giọng đặc sệt miền biển mà tôi nghe chữ được chữ mất, đại ý là: “Năm nay không có một hột mưa, nên không trồng được gì cả anh à, tỏi cũng mất mùa, thất trắng…”. Tỏi thì thơm cay, mà mồ hôi của người trồng mặn đắng quá phải không… Vậy mà họ vẫn bám làng, bám đảo. Thật là phi thường và gian lao quá phải không…

Cánh đồng tỏi đang mùa thu hoạch. Ảnh: Toilyson.com.vn


Các nông dân trồng hành sau khi thu hoạch mùa tỏi.
So với những miền đảo nổi tiếng khác, bãi biển nơi đây tuy không dài, không lớn, cũng không nhiều, nhưng những bãi Ngang, Bãi Tây chắc chắn sẽ đủ mỹ miều để níu giữ bất cứ bước chân ai yêu thích nét trong lành, hoang sơ, thưa vắng nơi đây…
Một điều nữa tôi thích ở Đảo Bé là những bức bích họa xinh xinh, thú vị, vẽ loang lớn trên tường nhà người dân, nơi thu hút giới trẻ đến check-in, mang lại nguồn thu, góp phần cải thiện đời sống người dân nơi này.

Cổng tò vò Lý Sơn

Đình làng An Hải Lý Sơn

Hằng năm Lý Sơn có nhiều lễ hội đua thuyền như: Đua thuyến tứ linh đầu năm, khao lề, quốc khánh,….
Vì có nhiều ngày nên ở Đảo Lớn, tôi cũng đến thăm nhiều nơi khác như chùa Hang, Đỉnh Thới Lới, Hang Cau, Cổng Tò Vò, hòn Mù Cu, nơi nào cũng thú vị, và đáng để ghé lại, lưu dấu bước qua đây…
Nếu có nhiều thời gian như tôi, bạn có thể về lại thành phố Quảng Ngãi để thăm chùa Thiên Ấn, ngắm sông Trà Khúc, mua ít đặc sản cá bống sông Trà, viếng mộ chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng hay quê hương nhà Thơ Tế Hanh mà gợi nhớ lại những dòng thơ êm đềm thời cắp sách:
“Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”
Nhiều người đến và đi, khen và chê, còn với riêng tôi, chỉ thấy mình luôn nợ đất nước một tình yêu nên lúc nào cũng thấy cảnh sắc biển trời Việt mình thật đáng để gửi gắm niềm yêu dấu, say mê.

Hòn Đụn Đảo Bé

Bãi tắm tiên ở Đảo Bé

Bãi Hang Đảo Bé

Bãi sau Đảo Bé

Hàng dừa Đảo Bé

Cây dứa rừng ở Đảo Bé
Dưới đây, tôi xin chia sẻ lại hành trình của mình cho những người cùng yêu thích niềm dịch bước rong chơi…
GỢI Ý LỊCH TRÌNH:
Đảo Lớn: 02 ngày
Ngày 01:
– 06:00-07:20: bay HCMC – CHU LAI
– 07:30-08:15: Sân bay – Tp. Quảng Ngãi.
Tại sân bay bắt xe bus. Bus chất lượng cao. Kêu bus cho xuống khách sạn Sông Trà. Nhìn sang đường có trạm bus. Bắt bus số 03 đi cảng Sa Kỳ (trạm cuối).
– 08:30-09:15: Bus từ khách sạn Sông Trà đi cảng Sa Kỳ. Bus Mai Linh xanh. Lịch sự.
– 09:30-10:05. Đến cảng Lý Sơn.
Ăn trưa – nhận phòng nghỉ ngơi
– Buổi chiều:
14:30 đến chiều tối:
– Chùa Đục (có thể không lên chùa được vì có lúc đường bị sạt).
– Cổng đá Tò Vò
– Dạo mát đê biển
– Hình vẽ bích họa ở bờ đê biển
– Buổi tối: nên đi ăn hải sản: Cá tà ma nướng – ốc cừ sả ớt – sò nướng mỡ hành
Ngày 02:
– Buổi sáng: bắt đầu lúc 04:30 ngắm bình minh ở cổng Tò Vò. Vì 05:00 mùa hè trời đã sáng lóa.
– Chùa Hang và các miếu, đình làng cổ ở dọc bờ biển.
– Buổi chiều: bắt đầu lúc 14:30. Thăm đỉnh núi lửa Thới Lới. 15:30 Hang Câu sát bên Núi Thới Lới. Nên mang theo thảm lót và đồ ăn nhẹ để ngắm biển đến hoàng hôn.
– Buổi tối: Hải sản: Cá mú đỏ nấu cháo, càng ghẹ rang muối, hàu điếu sả ớt.
Đảo Bé: 01 ngày
Ngày 03:
Đảo Bé: đi trong ngày.
– Tối hôm trước nhờ chủ nhà mua tàu đảo bé.
– 07:00 đi, 16:00 về. Tàu ca nô hoặc tàu gỗ. Đảo Bé rất bé!
– Sáng: chụp hình quanh làng bích họa, xe máy (vì xe đạp hư hết rồi) dạo vòng quanh đảo chụp hình với hàng dừa, bãi đá, bãi biển đẹp nhất là bãi Ngang, có thuyền thúng…
– Chiều: chụp hình tại bãi Ngang. Mang theo đồ tắm biển và lặn ngắm san hô.
– Trở lại đảo lớn ngủ một đêm, sáng mai về lại Tp. Quảng Ngãi và về lại HCMC.
Lịch này dành cho các bạn không có thời gian. Riêng mình đi 05 ngày nên từng địa điểm ở lại chơi rất lâu và thư thả.
CHI PHÍ:
– Vé bay HCM – CHU LAI: 800k x 2
– Bus sân bay – Tp. Quảng Ngãi: 35k x 2
– Vé tàu Sa Kỳ – Lý Sơn: 180k x 2
– Vé tàu Lý Sơn – Đảo Bé: 50k x 2
– Homestay Đảo lớn: 75k/người/đêm (máy lạnh)
– Homestay Đảo bé: 125k/người/đêm (máy lạnh, nước sạch)
– Xe máy đảo lớn: 150k/xe/ngày, chủ xe đổ xăng
– Xe máy đảo nhỏ: 100k/xe/ngày.
– Ăn sáng: 20k/người
– Ăn trưa: 25k/người (cơm dĩa). 100k/người (quán sang)
– Ăn tối: 40k/người (cơm dĩa). 200k/người (hải sản)
– Ăn ở đảo Bé: không hàng quán. Ăn cơm cùng gia đình. Rất mắc nhưng hợp lý vì điều kiện khó khăn.
– Các điển tham quan: không tốn phí.
– Lặn san hô ở Đảo bé: 120k/người
– Lưu niệm: Tỏi dỏm 50k/kg. Tỏi “3 tép” 150k/kg. Tỏi “cô đơn xịn” không dưới 1 triệu/kg.
Mọi tư vấn về Lý Sơn: 0868.627.276
Theo Nguyễn Trọng Nhân