“Người trẻ thợ giỏi” Lý Sơn quyết cạnh tranh với mía đường Thái Lan

0
1561
Anh Đinh Văn Huy là một trong những cử nhân ham học hỏi về sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NVCC. 

Đinh Văn Huy – một trong những cử nhân làm kinh tế giỏi ở huyện Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã trở thành “Người trẻ thợ giỏi” với những đam mê về sản xuất nông nghiệp.

Nuôi ý chí thoát nghèo!

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đảo Lý Sơn, chủ yếu sống bằng nghề thuần nông, hiểu được sự khó nhọc của nghề nông và hiểu được mong muốn thay đổi cuộc đời cho con cái của bố mẹ, anh Huy đã nuôi ý chí thoát nghèo cho không chỉ bản thân mình mà còn cho cả gia đình, cả những người lao động ở quê hương.

Đinh Văn Huy hiện là kỹ thuật viên chuyên mảng Cơ giới hóa vùng nguyên liệu mía cho Công ty Cổ Phần Đường Quảng Ngãi. Gắn bó với công việc này gần 4 năm, thường xuyên làm việc tại Nhà xưởng gia công chế tạo, và thực tế ngoài vùng nguyên liệu, anh Huy đã gặp không ít những khó khăn vất vả.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cơ giới hóa trong nông nghiệp theo dạng quy mô lớn, sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến, bởi đồng ruộng nhỏ lẻ, phân tán, tập quán canh tác lạc hậu, các thiết bị nhập từ nước ngoài cần được khảo sát kỹ tính phù hợp và có hướng cải tiến hợp lý, nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả khiến anh phải trăn trở rất nhiều để tính toán sao cho hợp lý.

Và cũng chính từ những khó khăn ấy, có được những thành quả như ngày hôm nay, anh Huy nghĩ đến niềm vui của bố mẹ, của sếp, và các đồng nghiệp bởi họ là những người trông mong, kỳ vọng và thậm chí đã ở bên động viên anh vượt qua những khó khăn.

Anh Đinh Văn Huy còn nhớ mãi nhờ sự cộng tác của đồng nghiệp mà ý tưởng cải tiến chế tạo dàn chăm sóc bón phân vùi rác được thử nghiệm thành công và được áp dụng đại trà. Thiết bị này chưa có trên thị trường, giải quyết được nhu cầu giữ lại lượng hữu cơ thay vì đốt cháy “về trời” theo tập quán xưa, đa dạng hóa thiết bị chăm sóc mía phù hợp với từng điều kiện, đến giờ thiết bị đó vẫn mang tính đặc trưng cho chất lượng thi công của đơn vị so với thị trường.

Mỗi bài học là một niềm vui lớn!

Ham học hỏi và chịu khó mày mò những cái mới, anh Huy không thể quên cảm xúc của mình khi đi công tác tập huấn vận hành máy thu hoạch mía liên hợp tại Thái Lan.

“Cảm giác không thể quên khi chính mình vận hành được máy móc hiện đại, chứng kiến ngành nông nghiệp hiện đại của nước bạn, từ đồng ruộng được quy hoạch chuẩn, rộng, bằng phẳng, và tập trung cho đến Nhà máy chế luyện với công suất cao, các dịch vụ hậu cần vận chuyển, hệ thống giao thông thuận lợi. Mọi thứ được tổ chức sản xuất rất khoa học, logic khiến tôi học hỏi được rất nhiều” – anh Huy chia sẻ.

Tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP. HCM chuyên ngành Cơ khí Nông Lâm, đã từng có 17 ý tưởng sáng tạo, 01 sáng kiến, và là đồng tác giả của 02 đề tài giải pháp dự thi đoạt giải Nhất tỉnh và giải ba toàn quốc, nhưng anh Huy tâm đắc nhất với đề tài đoạt giải ba là “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ cơ giới hóa, sinh học hoá, hóa học hóa, tối ưu hoá từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và tiếp nhận mía.”

Đề tài này mang tầm vóc chiến lược, là đồng tác giả nên bản thân anh đã mở mang được nhiều vấn đề từ phía các đồng nghiệp, và cho người thợ trẻ giỏi một niềm tin rằng “chúng tôi sớm gia tăng nội lực để thừa sức cạnh tranh với mía đường Thái Lan, dẫn đầu trong cả nước”.

Nói về những dự định của mình, trong thời gian tới, anh Huy cho biết sẽ: “Tiếp tục làm việc, nghiên cứu, cải tiến, nâng tầm bản thân, truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp khác trong hoạt động sáng tạo”.

Theo Ngọc Trang/Báo Giáo dục & Thời đại

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây