Ngày Gia đình Việt Nam 28.6: Gửi người 20 năm chở em đi phụ hồ

0
1020
Anh Mẫn đẩy xe lăn đưa chị Hải đi dạo trên đường quê. Ảnh: Hiền Linh. 

Chiều nào trên con đường vào đội 9, thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi cũng có một người đàn ông đẩy chiếc xe lăn đưa vợ đi dạo xóm. Hình ảnh người chồng hết mực yêu thương, chăm sóc vợ mình, khiến nhiều người cảm thương, xúc động.

Anh Phùng Mẫn (40 tuổi) mồ côi từ nhỏ, vừa lớn lên đã đi làm phụ hồ rồi thành thợ xây. Còn chị Lê Thị Hải, vợ anh sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 chị em, lớn lên cũng đi làm phụ hồ.
Hai người gặp nhau trên công trường xây dựng rồi yêu nhau. Suốt hai mươi năm sau ngày cưới, hầu như ngày nào hai vợ chồng cũng chở nhau đi phụ hồ, chắt chiu nuôi con khôn lớn.
Tháng 6 năm ngoái, chị Hải té ngã khi đang thi công một ngôi nhà. Chị bị liệt nửa người, gánh nặng gia đình đặt trên vai anh…
Đây là những dòng tâm sự của chị Hải gửi cho người chồng hết mực yêu thương mình.
***
Mẫn ơi, đã 4 giờ chiều rồi mà nắng vẫn gắt quá, dạo này trời cứ nóng hầm hập vậy, mà anh thì cứ phơi mình trên giàn giáo. Cứ ngồi một mình nghĩ đến, em lại thấy thương anh vô hạn.
Vậy là đã hơn 20 năm vợ chồng mình gặp nhau rồi về chung một nhà, em vẫn thương anh như thế. Bây giờ mình ăn ở với nhau mòn gối, có ba mặt con rồi, em nói vậy anh đừng cười em nhé. Mẫn ơi.
Em vẫn nhớ ngày đầu gặp anh. Nhưng không nhớ trời hôm ấy màu gì, mùa mưa hay nắng. Em chỉ nhớ nụ cười anh lấp lánh nhìn em. Khi ấy anh và em đều 18, cái tuổi chạm ngõ vào đời đẹp thế, mà chúng  mình lại đi phụ hồ.
Em nhớ trưa ấy sau một sáng làm không nghỉ tay, khi em mở đôi găng để lộ bàn tay sưng đỏ, ánh mắt anh nhìn bàn tay em đầy ái ngại. Buổi chiều, thấy em làm việc gì nặng anh cũng can bằng giọng cộc lốc: Để đó tui làm cho.
Nhà anh cách nhà em một con mương, gần nhà mà xa ngõ. Lúc hai đứa lọc lọc đạp xe về em mới biết. Từ bữa đó, hai đứa mình chung đường. Hai đứa vẫn hằng ngày đi phụ hồ kiếm sống, mỗi người một chiếc xe đạp lọc cọc. Chẳng biết từ lúc nào, em đã mến anh.
Rồi mình thương nhau, nhưng không ai nói. Từ ngày mỗi đứa một xe đến lúc anh chở em cùng tới chỗ làm. Anh vẫn hay trêu chọc em như một cô bé mới quen, như thể lòng anh không xao động, tiếng cười anh vang cả một góc trời.
Một bữa khi chúng mình đèo nhau trên xe, anh bỗng dưng hồi hộp khác thường, em nghe tiếng tim anh đập nhanh hơn trong lồng ngực. Rồi anh nói thương em, muốn cưới em làm vợ, nhưng anh lo em khổ. Anh là con rơi, mẹ anh mất khi anh vừa tròn 3 tháng tuổi. Ở chung với ngoại với dì, anh chẳng có một mảnh đất bạc màu làm vốn, cũng không có một cắt bạc nào lận lưng.
Nhưng anh ơi, em là con gái nhà nghèo, ba mẹ em cũng làm nông quanh năm suốt tháng, đâu có dư dả gì. Em nói em chịu khổ quen rồi. Chỉ cần anh thương em thật lòng là được. Thế là chúng mình thành đôi.
***
Ngày cưới, anh mặc quần tây áo sơ mi, bảnh bao hơn bộ quần áo lấm lem xi xăng vôi vữa anh thường mặc. Em e thẹn trong bộ áo dài đi mượn, chẳng có áo vest và váy cưới như mọi người. Bây giờ, mấy đứa con lớn lên, chúng hay hỏi hình cưới của cha mẹ đâu, em cũng chạnh lòng. Mà thôi buồn làm gì anh nhỉ, chỉ cần mình hạnh phúc bên nhau là được..
Vợ chồng mình cưới nhau, mảnh đất cắm dùi không có, hai đứa làm đơn xin đất của xã, rồi xây một cái nhà. Em vẫn nhớ căn nhà vách đất lợp tranh của mình hồi ấy. Vợ chồng mình đan liếp tre, mua bạt ni lông về ngăn vách làm phòng. Cái nhà chật quá, chỉ trở mình thôi cũng chòng chành. Vậy mà mình vẫn bên nhau được.
Sáng sáng, anh chở em đi đến chỗ làm, em xách xô hồ, anh cầm bay. Sáng nào em cũng nấu sẵn một cà mèn cơm để hai vợ chồng ăn trưa, vợ chồng mình nghèo, không có tiền mua cơm hộp..
Em nhớ hồi ấy một ngày phụ hồ chỉ có 50 nghìn, nên cố mấy nhà mình cũng chật vật. Em nhớ lúc thằng Long 5 tuổi, nó lên sốt, vô bệnh viện vẫn còn ăn cơm độn củ. Vậy mà mình vẫn vượt qua được, nuôi ba đứa lớn lên.
Chúng học hành không giỏi lắm, mà chẳng trách chúng được, ba mẹ chúng chỉ là phụ hồ, lại không có điều kiện như người ta. Nhưng em nghĩ chỉ cần ba đưa vẫn khỏe mạnh là được, rồi lớn lên có một cái nghề. Mong ước vậy thôi mà chẳng dễ dầu gì, kể từ cái ngày định mệnh ấy.
***
Anh Mẫn hết lòng chăm sóc vợ trong cảnh ốm đau. Ảnh: Hiền Linh.
Em trượt chân trên cái cầu thang đang xây, té ngã. Lúc ấy em chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng anh la lên: “Chết vợ tui rồi, chết vợ tui rồi”. Mọi người hốt hoảng xúm lại chỗ em, anh run run nhìn em bất động, em rơi nước mắt, cả phần dưới cơ thể em không nghe thấy gì.
Tai nạn gần bệnh viện, anh hớt hải xốc em lên rồi cõng tới khoa. Bác sỹ nói em bị hỏng đốt sống lưng, chẳng có mấy hi vọng chữa khỏi. Anh lau nước mắt, bảo em lạc quan lên, rồi hai vợ chồng mình ra Đà Nẵng mấy tháng ròng, anh vẫn bên em chăm sóc. 
Nhà mình nghèo, viện phí đến 60 triệu, anh phải chạy vạy khắp nơi. Nhiều khi em nghĩ, đừng chữa trị gì cả, cứ để em như vậy thì nhà mình khỏi mang nợ, anh cố gắng làm lụng nuôi con là được, nhưng anh bảo mình và con không thể bỏ mặc em. Nhiều lần, vợ chồng mình ăn xong hộp cơm từ thiện trong bệnh viện rồi ôm nhau khóc, buồn cho phận mình.
Em xuất viện về nhà, vẫn bị liệt nửa người, ba đứa nhỏ thấy mẹ ngồi trên xe lăn đứa nào cũng khóc. Không thấy bé Mai đi học, em gặng hỏi mãi mới biết nó nghỉ học rồi. Biết chuyện, em chỉ biết ôm con. Con bé nhỏ quá, mới học lớp 10… 
Vợ chồng mình đi phụ hồ 20 năm, ba đứa con của mình, đứa nào cũng hoài thai ở những nơi mình lang bạt làm thuê, thằng Long sinh ra ở Minh Long, bé Mai sinh ra ở xã Long Mai…
  
Em vẫn nhớ kỉ niệm những nơi con mình sinh ra, những nơi mình từng lang bạt, nhưng em chỉ mong chúng thoát khỏi cái nghề của ba mẹ. Thằng Long học nghề ra trường có việc làm, con Mai lại được đến trường, không phải suốt ngày cầm liềm cắt cỏ, còn cu Út cũng ráng học hết lớp 12. 
Nhưng em đau xuống rồi, không giúp được gì con cả, chỉ biết trông cậy vào anh. Anh một mình đi làm thợ hồ ngày ngày qua tháng nọ, lo trang trải gia đình, lo trả nợ. Anh chăm sóc, nhắc nhở con, anh bồng bế em đi vệ sinh, xoa cái lưng cho em mỗi khi trở trời đau nhức.
Một năm từ ngày em té ngã, anh của em gầy đi thấy rõ vì gồng gánh. 
Em vẫn đợi anh mỗi chiều về đẩy chiếc xe lăn đưa em đi dạo, rồi gia đình mình dùng bữa tối. Giờ anh và con đã bớt buồn, em đã bớt đau như hồi em mới ngã. Nhưng đôi khi, em vẫn ước có một phép màu…
Theo Báo Quảng Ngãi

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây