Cụ già mù “truyền lửa” sắc bùa

0
1462
Cụ Biểu (thứ hai từ phải sang) đang hát sắc bùa.
Tuổi 82 với đôi mắt mù nhưng cụ Biểu vẫn đắm say làn điệu sắc bùa. Lời ca trầm ấm của cụ hòa cùng tiếng đờn cò (đàn nhị) mượt mà gợi nhớ về những đêm xuân xưa cũ nơi làng quê. Cụ tận tình “truyền lửa” sắc bùa cho thế hệ trẻ với mong muốn lưu giữ loại hình nghệ thuật dân gian này cho đời sau.
Sáng ngày 18.3, chính quyền xã Phổ An (Đức Phổ, Quảng Ngãi) tổ chức đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới. Quan chức cùng đông đảo người dân tham dự nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng sau khi thưởng thức làn điệu múa hát sắc bùa nơi miền quê ven biển. Nhiều người chăm chú ngắm cụ già với đôi mắt mù ru hồn người nghe qua từng lời ca, tiếng nhạc. Đấy là cụ Trần Biểu, người gần trọn cuộc đời nặng nợ với làn điệu sắc bùa.
Mê đắm sắc bùa
Gương mặt cụ Biểu rạng ngời, chậm rãi bước vào bên trong với tay lấy cây đàn nhị treo trên vách khi nghe khách tìm đến nhà thưởng thức làn điệu sắc bùa. Lời ca trầm ấm cùng tiếng đàn réo rắt dìu hồn người nghe về những ngày xa, thuở điệu sắc bùa ngân vang mỗi độ xuân về hay dịp tế, lễ nơi miền quê rì rào sóng vỗ. Những âm điệu ấy đã “thấm vào tâm hồn cụ từ lúc chào đời. Ông nội của cụ Biểu là cụ Trần Phẩm đảm nhận vai trò Ông Cái (trưởng đoàn) hát múa sắc bùa trứ danh ở Phổ An. Sau ngày tiễn ông Táo về trời, các thành viên trong đoàn tụ họp luyện tập với lời ca tiếng nhạc nhịp nhàng, thu hút nhiều người đến xem. Cha của cụ Biểu là cụ Trần Hàm tiếp nối để làn điệu sắc bùa ngân vang nơi làng quê. Thuở ấu thơ, cậu Biểu cùng chúng bạn lội bộ theo cha để được lắc lư theo làn điệu sắc bùa với câu vè của người đương thời: “Trống tùng dinh vỗ bên đông/Một bầy con nít lội sông sang tìm”.
Những lúc đoàn hát nghỉ ngơi, cậu tập tành đờn, thổi kèn, vỗ trống và cất lên giọng ca thơ trẻ học lỏm từ các thành viên trong đoàn. Thấy cậu đam mê sắc bùa, người cha và các chú trong đoàn tận tình dạy bảo từng lời ca và phương pháp sử dụng những loại nhạc cụ. Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự miệt mài luyện tập bất kể đêm ngày, sau khoảng thời gian ngắn cậu đã thuộc khá nhiều bài hát và sử dụng thạo các loại nhạc cụ: đờn nhị, kèn, trống… Làn điệu sắc bùa vận vào cậu từ bấy đến giờ, dẫu cuộc đời với bao nỗi lo toan. Giờ mắt mờ, chân yếu nhưng mỗi khi ngành văn hóa mời tham dự giao lưu, cụ vui vẻ khăn gói lên đường để được hiểu thêm làn điệu sắc bùa ở những nơi khác. Khi được chính quyền xã, huyện mời biểu diễn vào những dịp lễ, Tết, cụ vận động các thành viên trong đoàn tụ họp rồi tập luyện với tâm trạng háo hức mong sớm được gửi đến khán, thính giả lời ca, tiếng nhạc cho đời thêm vui. “Chủ yếu là được hát cho bà con nghe và hiểu nét đặc sắc trong làn điệu sắc bùa nên chúng tôi tập luyện rồi biểu diễn, dẫu khoản thù lao chẳng đáng là bao. Bây giờ, đời sống hiện đại nên đỡ cơ cực hơn trước rất nhiều. Khi chưa có điện, vào những đêm mưa, các em, các cháu phải bưng đèn dầu và khoác áo che mưa đến nhà tôi luyện tập. Những đêm như vậy, vợ tôi thường nấu chè củ lang khô hay chè đậu đen để mọi người ăn cho ấm bụng rồi mới về nhà ngủ…” – cụ tâm sự.
“Cụ Biểu rất say mê và nhiệt tình biểu diễn hát múa sắc bùa. Mỗi khi có dịp lễ hội cần có tiết mục sắc bùa thì tôi đến nhờ và cụ luôn vui vẻ nhận lời. Cụ nhiệt tình vận động nên các thành viên trong đoàn tích cực luyện tập rồi biểu diễn. Tôi sẽ phối hợp cùng cấp, ngành chức năng hoàn tất hồ sơ đề nghị phong tặng cho cụ danh hiệu nghệ nhân dân gian trong năm nay để ghi nhận công lao của cụ đối với làn điệu sắc bùa…” – ông Phạm Quốc Việt – Cán bộ văn hóa xã Phổ An, cho biết.
Du xuân cùng điệu sắc bùa
Dẫu thời gian làm hao mòn sức lực nhưng trong ký ức của cụ Biểu vẫn in đậm thuở du xuân cùng điệu sắc bùa. Gần 3 thập niên về trước, khi hoa lá phấp phới đón gió xuân thì những làng chài ven biển lại rộn ràng làn điệu sắc bùa. Những “nghệ sĩ” chân trần ở vùng biển Phổ An lại rong ruổi khắp làng quê với lời ca hòa cùng tiếng trống tùng dinh, réo rắt của kèn, đờn nhị và rộn rã với sênh tiền. Họ chân đi, miệng hát, cơ thể những thiếu nữ uyển chuyển theo điệu múa làm say đắm bao người cuốc bộ theo xem thâu đêm.
Sau ngày tiễn ông Táo về trời, mọi người tụ họp luyện tập lời ca, điệu múa hòa cùng âm thanh các loại nhạc cụ, thu hút nhiều người đến xem, xóm làng vui như mở hội. Những ngày Tết, họ thường biểu diễn phục vụ người dân trong làng với những bài: Mở ngõ, vào sân, mở cửa, vô nhà, tạ ông bà gia chủ…“Mở ngõ, mở ngõ/Khoen trên còn xỏ/Chốt dưới còn gài…”. Thế rồi gia chủ mở ngõ, nét mặt rạng ngời với mâm trầu, rượu trên tay đón chào đoàn hát. Ông Cái nâng ly rượu mời uống cạn giữa lời ca, tiếng nhạc rộn ràng. Sau khi hát múa vái lạy tổ tiên và chúc phúc cho gia chủ, đoàn hát nhận tiền thù lao cùng lời cảm ơn rồi chuyển sang phục vụ nhà bên theo yêu cầu của chủ nhân và tạm dừng khi trời sáng.
Sau ba ngày Tết, cả đoàn tề tựu tại nhà ông Cái sửa soạn mâm cổ cúng Tổ nghiệp rồi xuất hành dọc theo các làng chài ven biển. Lời ca, tiếng nhạc hòa cùng với tiếng sóng rì rào vỗ vào bờ cát trắng lẫn tiếng thùy dương vi vu như đang tự tình với gió từ khơi xa thổi vào bờ. Người dân nô nức đến xem rồi mời về tận nhà để hát mừng đầu xuân. “Thuở trước, nhiều người rất mê hát sắc bùa nên đi theo xem đông lắm. Họ tin rằng, nếu rước đoàn đến hát chúc mừng trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn được nhiều thuận lợi. Nhất là ngư dân miền biển với niềm tin ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều cá tôm nên họ luôn mời đến hát sắc bùa tại lăng thờ thần Nam Hải và đến tận nhà vào mỗi dịp xuân về” – cụ Biểu nhớ lại.
Thuở trước, cụ Biểu cùng các thành viên trong đoàn rong ruổi chân trần, vừa đi vừa hát múa đến nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, theo thuyền ra đảo Lý Sơn và vào tận tỉnh Bình Định. “Đi đến đâu thì ăn nghỉ luôn ở đó, người dân rất quý mến, nhiều người mang gạo và thức ăn góp với chủ nhà để nấu cho cả đoàn cùng ăn. Nhờ vậy nên chúng tôi quen biết rất nhiều người, xem nhau như người thân trong gia đình. Thường đến cuối tháng giêng mới trở về, nhiều năm đến tận tháng ba âm lịch mới về đến quê. Lúc đó, nhiều người mê sắc bùa lắm. Vợ tôi hồi con gái cũng đam mê sắc bùa. Thấy tôi hát hay nên bả đi theo xem rồi ưng nhau luôn…” – cụ hào hứng nói.
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Gần trọn cuộc đời gắn bó với làn điệu sắc bùa, cụ Biểu rất lo lắng khi loại hình nghệ thuật dân gian này dần phai nhạt trong cuộc sống của người dân quê. Vì vậy, cụ luôn tận tình chỉ bảo, “truyền lửa” đam mê sắc bùa cho nhiều người, nhất là lớp trẻ. Trẻ thơ đến chơi nhà, cụ liền kéo đàn nhị và cất lời ca trầm ấm trước những gương mặt rạng ngời chăm chú lắng nghe, đôi mắt thơ ngây đẹp tựa thiên thần. Sau mỗi bài hát, các cháu lại vỗ tay tán thưởng đem lại nụ cười trên gương mặt hiền từ với những nếp nhăn sau bao nhọc nhằn theo năm tháng. “Những lúc như thế, cha tôi vui lắm. Lũ trẻ về rồi nhưng ông vẫn luôn miệng nói cười, trông ông khỏe hẳn ra…” – chị Trần Thị Huynh (con gái của cụ Biểu) thổ lộ.
Bên cạnh việc tận tình chỉ bảo cho bao lớp học trò, cụ còn gieo niềm đam mê làn điệu sắc bùa vào lòng con cháu. Vừa tròn tuổi 12, chị Huynh rong ruổi theo cha mang lời ca, điệu múa đến từng nhà phục vụ bà con xóm làng. Tiếp nối thế hệ đi trước, cháu nội của cụ là em Trần Thị Trinh cũng say mê làn điệu sắc bùa. Những lúc trình diễn trên sân khấu, em như đắm chìm trong lời ca, tiếng nhạc cùng điệu múa uyển chuyển lôi cuốn nhiều người. “Lúc trước cháu chưa thấy được cái hay của sắc bùa. Nhưng nhờ ông khuyến khích và tận tình dạy bảo nên cháu và các bạn chăm chỉ tập luyện. Giờ mỗi khi được diễn trên sân khấu cháu thấy vui lắm…” – em Trinh tâm sự.
“Tuy tuổi cao, mắt mù nhưng cụ Biểu là người tuyệt vời, rất tâm huyết với làn điệu sắc bùa. Không những chỉ bảo tận tình, cụ còn luôn động viên, nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng lưu giữ loại hình nghệ thuật dân gian của cha ông truyền lại chứ không để mai một. Vì vậy, chúng tôi phải gắng sức luyện tập và biểu diễn khi có yêu cầu, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn…” – ông Huỳnh Lập, thành viên đoàn hát múa sắc bùa Phổ An, bộc bạch.
Bên cạnh các bài hát sắc bùa thuở xa xưa truyền lại, cụ Biểu còn sáng tác và cải biên những ca từ mới mang hơi thở cuộc sống đương đại. “Xuân Mậu Tuất muôn hoa phơi phới/Đoàn sắc bùa bước tới mừng xuân/Mừng hạnh phúc, chúc hòa bình, cầu tuổi thọ, tân niên phát đạt…”. Điều đó làm cho số lượng bài hát và ca từ sắc bùa ở Phổ An ngày càng phong phú. “Tôi thuộc nhiều bài lắm, cả cũ lẫn mới, hát từ giờ đến sáng mai vẫn chưa hết. Tôi chỉ mong lớp con cháu cố gắng lưu giữ, sợ mai này mất đi thì uổng lắm!” – cụ Biểu tâm sự.
“So với các địa phương ven biển khác, hát sắc bùa ở Phổ An còn khá nguyên vẹn về hệ thống làn điệu cũng như trình tự diễn xướng. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của cụ Trần Biểu. Chúng tôi đang chuẩn bị làm hồ sơ đề nghị cấp trên xem xét, phong tặng cụ Biểu danh hiệu nghệ nhân dân gian” – ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đức Phổ, cho biết.
Theo Báo Lao Động

Đưa ra một phản hồi

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây